CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA | Về bức ảnh cho bộ lịch năm ấy...

Ngày 12/03/2021 19:17:10, lượt xem: 4914

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA | Về bức ảnh cho bộ lịch năm ấy...

---------------------

“Mẹ đừng giấu con 

Rằng những vết thương kia là do sơ ý 

Mẹ đừng nói với con rằng những thâm quầng trên mắt 

Là mẹ không ngủ được 

……. 

Có những bí mật mẹ đang giấu con nhưng vẫn lộ 

Con sẽ không im lặng đâu 

Con đã nhiều lần thấy rất lâu 

Mẹ đang ngồi kia, và khóc 

(Mẹ ơi, đừng sợ - Minh Hiên) 

“Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật” bởi vậy, mà muốn khám phá cho hiểu sâu mọi phần lí lẽ cuộc sống, ta “phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời… Đa đoan, đa sự, nó không hề đơn giản như chúng ta thường nghĩ, ngược lại, nó luôn vận hành theo cái cách “ghì ta xuống” giữa “người tốt, kẻ xấu” “ giữa “thiên thần và ác quỷ. 

Trong quan niệm của Nguyễn Minh Châu, ông cho rằng người nghệ sĩ phải biết “vất bỏ thói quen mã hóa hiện thực đời sống”, tránh “dễ dãi về cách nhìn và phô bày đời sống một cách giản đơn”. Con người ấy, cuộc đời ấy trong tác phẩm “Chiếc Thuyền Ngoài Xa” đã hiện lên để nói cho hết cái khổ của người dân lao động và tất nhiên, hình ảnh người đàn bà hàng chài mang dáng dấp của những người phụ nữ vất vả đã trở thành “bức ảnh cho bộ lịch năm ấy”... 

Nhận điều lệnh từ cấp trên, nghệ sĩ Phùng đã về lại nơi chiến trường xa xăm để chụp một bức ảnh. May sao, chính từ nơi mình đã từng một thời gắn bó, Phùng đã bắt trọn từng khoảnh khắc bằng đôi mắt nhà nghề của người nghệ sĩ và thu về “cảnh đắt trời cho” trên mặt biển mờ sương. Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa khiến trái tim Phùng “như có gì bóp thắt vào”.

Thế nhưng, khi thuyền trôi dạt bờ bến thì một sự thật trần trụi phơi bày trước mặt Phùng - một cảnh tượng vô nhân tính, thực sự bi thương - người đàn ông mặt đỏ gay, rút ngay trong người ra một chiếc thắt lưng của những anh lính ngụy ngày xưa quật tới tấp vào lưng người đàn bà, răng nghiến ken két, giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ.” Đúng là, “văn học và đời sống là những vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm, là con người…” Đó là một chi tiết thể hiện được mối quan hệ giữa nghệ thuật và hiện thực mà trước đây, chính Nguyễn Minh Châu từng khẳng định rằng: “nghệ thuật trước hết phải gắn liền với cuộc sống…..góp phần cải tạo cuộc sống, làm cho cuộc sống ngày một tốt hơn” quan điểm này rất gần với ý nghĩ, cách nhìn của nhà văn Nam Cao: “Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than” 

Đằng sau nghệ thuật, đúng là sự thật phũ phàng. Trước sự hung bạo của người chồng, Phùng và Đẩu - chánh án huyện đã khuyên chị hãy tìm cho mình lối thoát, đừng mãi u tối trong đêm đen nữa ! Thế nhưng, trò đời là vậy, đã mang tiếng vợ chồng thì làm sao có thể dễ dàng ly hôn được. Người đàn bà hàng chài một mực phản đối lời đề nghị đó và đưa ra hàng loạt những lí do: nào là chị cần một người đàn ông khỏe mạnh để chèo chống biển động lúc phong ba ; rồi chị thẳng thắn chia sẻ về cuộc đời mình - rỗ mặt, không ai yêu, may mắn gặp anh và hai người kết duyên, đặc biệt, chị cảm thấy”có những lúc gia đình chị vô cùng hòa thuận. 

Tấm ảnh cho bộ lịch năm ấy “tuy là ảnh đen trắng nhưng mỗi lần ngắm kĩ, tôi vẫn thấy hiện lên cái màu hồng hồng của ánh sương mai” - là kiệt tác mà Phùng đã thu được trong chuyến đi đó. Đây là chi tiết khép lại truyện ngắn đồng thời cũng là một trong những chi tiết đắt giá nhất thể hiện được quan niệm về cuộc sống và nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu, khơi dậy những suy tư, chiêm nghiệm của Phùng cũng như người đọc. Nhiều năm về sau, khi nhìn lại tấm lịch đó, lòng Phùng không còn vui tươi, hớn hở như ngày đầu Phùng “chộp” được khoảnh khắc ấy mà thay vào đó là sự suy tư trăn trở về đời người. Đằng sau vẻ bề ngoài xấu xí, thô kệch lại là vẻ đẹp khuất lấp khiến tất cả mọi người đều kinh ngạc, đặc biệt là Phùng và Đẩu. Cũng như đằng sau

một bức ảnh nghệ thuật là những góc khuất tối tăm của cuộc đời, đó là hiện thực trần trụi với cuộc sống lam lũ. Xuyên qua cái hồng của sương mai của cảnh vật, Phùng đã nhìn ta được những cái “thô kệch, ướt súng, nhợt trắng, bạc phếch rồi đến từng tiếng nghiến răng ken két của người đàn ông phũ vu… 

“Vẻ đẹp chân - thiện - mĩ luôn luôn phải đi kèm với nhau. Bản chất cái đẹp cũng là đạo đức. Đó cũng là điều mà Đốt-xtôi-ep-xki đã từng nhắn nhủ: "Cái đẹp sẽ cứu vớt cho nhân loại".

----------------------------

Để hiểu hơn về toàn bộ các tác giả cùng kiến thức tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 12 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh tay đọc thử SỔ TAY VĂN HỌC THƠ và SỔ TAY VĂN HỌC VĂN XUÔI và sở hữu ngay bộ sách TẠI ĐÂY em nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan